Làm sao để tránh độc tố trong nha đam
Người nhà tôi hay dùng cây, cành nha đam tươi, rửa sạch, để nguyên vỏ xay lấy nước uống. Tôi không biết cách dùng như vậy liệu có gây ngộ độc cho người uống? Bởi theo tôi biết thì mủ nha đam có độc.
TRƯƠNG VĂN TRÀ (TRUONGTRAQN@...)
Ảnh: Thuỳ Vân
DS Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên khoa y học cổ truyền, đại học Y dược TP.HCM:
Nha đam có vai trò quan trọng trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Một số nhà khoa học ở Hoa Kỳ và Nhật đã tiến hành nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng trong nhiều năm, chứng minh được lợi ích của nha đam đối với sức khoẻ con người là rất lớn. Ngoài các nhóm hoạt chất có tác dụng tốt cho cơ thể, nha đam còn chứa nhóm anthraglycoside có khả năng chống oxy hoá tế bào, nhuận trường, giải độc, chống táo bón.
Nhựa cây nha đam nguyên là một chất độc, khi để ra ngoài không khí chất nhựa này dễ bị oxy hoá làm mất đi một phần hoạt tính, do đó cần có quy trình chiết xuất đúng đắn để ổn định hoạt chất. Độc tố trong nha đam tuy không làm chết người nhưng có thể gây tiêu chảy, nếu phụ nữ mang thai có thể sinh quái thai. Ăn một lượng lớn nha đam có thể bị co thắt bụng, nôn mửa, tiêu chảy. Phụ nữ đang cho con bú càng phải cẩn thận vì trẻ dễ bị ngộ độc khi bú mẹ. Nếu dùng trong thời gian dài (3 – 6 tháng dạng đã chế thành viên) có thể có hiện tượng tích luỹ và gây rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy. Người bị bệnh trĩ, viêm ruột không nên dùng vì anthraquinon trong nhựa nha đam gây sung huyết.
Khi ăn nha đam tươi, chúng ta cần làm sạch lớp nhựa mủ màu vàng kế bên lớp thạch nha đam để tránh ngộ độc bằng cách gọt vỏ, sau đó rửa sạch dưới vòi nước cho đến khi bớt nhớt, cắt nhỏ, ăn sống, xay nước hoặc nấu chè đều dễ ăn. Liều dùng lá tươi mỗi ngày chỉ 10 – 20g. Chọn những bẹ nhỏ, xanh nhạt, gọt bỏ vỏ, rửa sạch dưới vòi nước, nên ăn ngay (không để lâu ngoài không khí, nếu cần thì bảo quản trong tủ lạnh). Dùng lâu dài với liều lượng thấp thì không có hại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét